LƯU GIỮ LẠI NHỮNG KHOẢNH KHẮC A4 ( 2012-2016)
TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ VINH TRẠI LẠNG SƠN

THỜI KHÓA BIỂU ÔN KHỐI 9 TỪ 28 - 9 - 2015 ( CLICK VÀO HÌNH ĐỂ XEM ẢNH RỘNG )

Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

Có một người xứ Lạng trong 34 chiến sĩ năm xưa

Là người Việt Nam chắc không mấy ai không biết đến tấm ảnh 34 chiến sĩ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân trong khu rừng Trần Hưng Đạo làm lễ tuyên thệ. 34 chiến sĩ ấy là tiền thân của quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. Thế nhưng chắc ít người biết duy nhất có một người xứ Lạng trong tấm ảnh ấy.

Ông Lộc Văn Lùng đội mũ nồi ( thứ 6 từ trái sang, theo giới thiệu của bà Lộc Thị Dung)
Tìm người trong ảnh Rất tình cờ tôi có được tấm ảnh 34 chiến sĩ trong đội Việt Nam tuyên Truyền giải phóng quân do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giao cho Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy. Với nhiều người Việt, chắc không ít người có tấm ảnh này. Nhưng tấm ảnh mà tôi có trên đó nghi rõ tên từng người, đó là điều khác biệt nhất so với những tấm ảnh khác. Hình ảnh mà tôi ấn tượng nhất đó là một chiến sĩ dáng thấp nhỏ được ghi, Lộc Văn Lùng, Cao Lộc, Lạng Sơn. Và tấm ảnh, dòng chữ ấy đã thôi thúc tôi tìm người trong ảnh. Thế là từ đó gặp ai cao tuổi, đã từng đi bộ đội tôi cũng hỏi, nhưng mỗi lần hỏi lại thêm một lần thất vọng. Rồi “không phụ người có lòng” may mắn đã mỉm cười với tôi, số là anh Đường Văn Hải, con trai bác Đường Thị Kim, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh vô tình kể câu chuyện anh đã được xây nhà cho ông Lộc Văn Lùng. Thế là ngay sau câu chuyện, phần vì tò mò, phần vì có “hoa tiêu” là anh Hải chúng tôi có ngay chuyến ngược đường về quê người chiến sĩ giải phóng quân năm ấy.
Chân dung ông Lộc Văn Lùng ( ảnh do gia đình cung cấp ) Mai Pha (nay thuộc thành phố Lạng Sơn)

 giờ đây đã đổi khác, những con đường bê tông chạy dài, từng thửa ruộng đã gặt nhưng vẫn vương màu vàng như mật ong báo hiệu một mùa no ấm làm chúng tôi vui với cái vui thôn dã. Là người đã từng công tác ở đây nhưng chính anh Hải cũng không thể nhận ra con đường. Thế là chúng tôi đến đâu hỏi đến đấy. Nhưng hỏi mãi cũng chẳng ai biết ông Lùng. Vòng đi vòng lại mãi, đã có lúc định bỏ cuộc vì trời đang tối dần. Cũng chính lúc đó chị doanh nghiệp đi cùng chúng tôi lên tiếng: “Bác Lùng ở đâu chỉ đường cho cháu với”. Không biết có phải sự hiển linh hay không nhưng khi chúng tôi định bỏ cuộc hẳn thì một người đàn ông hớt hải đuổi theo chúng tôi: “Các anh tìm nhà ông Lùng phải không? Ngay chỗ cây đa ấy”. Nói rồi anh vội vụt đi như khi đến. Theo cánh tay chỉ của anh, chúng tôi tìm đến một ngôi nhà vắng hoe. Đẩy cửa vào thấy trên bàn thờ còn nghi ngút khói hương là một tấm ảnh duy nhất một anh bộ đội đeo quân hàm Đại uý. Lại gần tấm ảnh tôi nhìn thấy một dòng chữ rất mờ Lộc Văn Lùng, chúng tôi như reo lên vì đã tìm đúng nhà, đúng người và trong câu chuyện này có cái gì đấy rất li kỳ mà chính chúng tôi không lý giải nổi. Cậu bé chăn trâu vượt biên tìm Đảng Thấy có khách mấy bác hàng xóm cứ nhoay nhoáy gọi điện cho chủ nhà. Chưa đầy 20 phút cả nhà đã có mặt đông đủ. Giới thiệu từng thành viên trong gia đình với khách xong bác Lộc Thị Dung, con gái ông Lộc Văn Lùng đứng trước bàn thờ rành rẽ: “Bố ơi hôm nay có nhà báo Lạng Sơn, anh Hải Tỉnh đội, chị doanh nghiệp đến thắp hương cho bố”. Rồi nước mắt chị chảy thành hàng dù vẫn nói, cười với khách. Chị kể rành rẽ từng chi tiết, kể như chưa bao giờ được kể, sợ chúng tôi không nghe hết. Cũng phải thôi, đã bao năm nhiều người không biết ông Lùng là ai, phải nhớ, phải nói chứ kẻo nữa lại quên. Theo bà Dung, ông Lộc Văn Lùng sinh năm 1903, tại Nà Chuông, Cao Lộc. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, cậu Lùng rất căm tức nên hay nghĩ ra những trò để trêu trọc chúng. Có lần cậu cùng đám bạn chăn trâu làm cờ ba que cắm lên bãi phân trâu. Hành động ấy được coi là chống lại nhà nước bảo hộ nên mẹ ông bị gọi lên và suýt bị phạt. Năm 1924, nghe tin ở nước ngoài tập hợp thanh niên yêu nước, thế là cậu Lùng khăn gói vượt biên. Trong gần chục năm, từ thanh niên yêu nước, được Đảng soi đường, Lộc Văn Lùng đã trở thành chiến sỹ cộng sản. Thời điểm ấy ngày đi làm, tối ôn luyện, học đủ thứ để về quê hương.
Bà Lộc Thị Dung, con gái ông Lùng nói chuyện về ông với phóng viên
Năm 1941 khi Bác về nước cậu Lùng cũng cùng những người cộng sản lần lượt về Cao Bằng xây dựng cơ sở. Ngày 22/12/1944, khi 34 chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tuyên thệ Lộc Văn Lùng là 1 trong 34 chiến sĩ trong hàng ngũ đó và cũng là người Lạng Sơn duy nhất có mặt trong đội hình quân giải phóng. Ngày đầu mới thành lập, ông được Bác Hồ tin tưởng giao cho 500 đồng Đông Dương để mua sắm hậu cần cho đội. Và ông trở thành người đầu tiên trong ngành hậu cần quân đội. Ngay khi được giao tiền ông ra chợ mua một chiếc chảo để nấu ăn cho anh em trong đội, thế nên khoản chi đầu tiên của ngành tài chính là một chiếc chảo. Với cương vị làm quản lý, lo từng bữa ăn cho đội ông đã làm tròn trọng trách để quân ta đánh thắng đồn Phai Khắt, Nà Ngần lập chiến công đầu. Khi biết tin ông Lộc Văn Lùng theo cách mạng, bọn cường hào địa phương luôn rình mò, làm khó dễ với gia đình ông, có lúc chúng bắt mẹ ông và vợ ông nhốt mấy ngày liền. Những hy sinh cay đắng ấy chắc còn ít người biết. Năm 1954, khi tiếp quản Thủ đô Hà Nội ông được phân về một đơn vị tăng gia. Theo bà Dung, con gái ông Lùng sau khi nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp đến đơn vị phong quân hàm đại uý và đưa về Bộ Quốc phòng. Với ông đấy là niềm vui nhưng ông còn một nỗi buồn là sau nhiều lần sinh nở mẹ tròn, con không vuông vợ ông không sinh thêm được. Cũng theo bà Dung, cả bà và ông Lộc Văn Niếng (tức Lý A Niếng) được ông nhận làm con nuôi, riêng bà Dung được nhận tại Bệnh viện Bạch Mai khi bà mới lọt lòng, vì bố mẹ đẻ của bà phải đi làm nhiệm vụ tại chiến trường miền Nam. Năm 1963, do sức yếu, ông Lộc Văn Lùng xin về địa phương đoàn tụ gia đình. Từ đó ông luôn là người cha mẫu mực, ông luôn dạy con phải sống sao cho xứng đáng với những người đi trước. Đặc biệt với bà Dung ông vừa là người cha vừa là người bạn. Một chi tiết mà bà Dung còn nhớ mãi: “Khi Bác Hồ mất, bố tôi tự làm khăn tang đội cho tôi, rồi bố tôi nói, có Bác mới có bố con mình hôm nay, con hãy nhớ điều đó”. Cho đến hôm nay khi ông đã đi xa nhưng bà Dung con gái ông vẫn khắc ghi lời bố, một người chiến sĩ cánh mạng trong Đội tuyên truyền Giải phóng quân năm xưa.

( Bài viết được đăng sau khi đã có ý kiến của tác giả Nguyễn Đông Bắc - Báo Lạng Sơn)

Không có nhận xét nào:

BÀI ĐĂNG MỚI

Tham gia cuộc thi hãy đọc các bài viết:

ĐI TÌM ĐAM MÊ

HÀNH TRÌNH NOI GƯƠNG ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ